Càng mang thai về những tháng cuối, mẹ bầu càng thấu hiểu “nỗi buồn” mang tên: tiểu đêm nhiều lần.
Vì sao bà bầu càng gần tháng cuối càng hay đi tiểu đêm?
Tử cung của phụ nữ rất gần với bàng quang, thai nhi lớn lên từng ngày trong bụng mẹ, tử cung sẽ ngày càng to ra. Từ đó, bàng quang sẽ bị chèn ép và xảy ra hiện tượng đi tiểu nhiều lần, cả ban ngày và ban đêm. Dù rất khó chịu khi phải chạy vào nhà vệ sinh nhưng mẹ bầu không nê nhịn tiểu vì sẽ có hại cho thai nhi và chính cơ thể của mình.
Nếu nước tiểu bên trong bàng quang quá đầy sẽ dồn nén xuống tử cung, thai nhi bị chèn ép gây cảm giác khó chịu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển, thậm chí có thể dẫn đến sảy thai. Đối với bản thân mẹ bầu, việc kìm hãm nước tiểu lâu sẽ mang lại gánh nặng cho thận, không thải được chất thải ra ngoài và có thể gây nhiễm độc niệu, để lại nhiều di chứng.
Làm thế nào để mẹ bầu có thể giảm bớt tình trạng đi tiểu đêm nhiều lần?
Thường xuyên đi tiểu khi mang thai là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và không tốt cho sức khỏe của bà bầu. Do đó, mẹ bầu cần chú ý một vài điểm sau để giảm bớt tần suất đi tiểu đêm khi mang thai.
Đầu tiên, hãy kiểm soát lượng nước uống trước khi đi ngủ. Uống nước buổi tối dễ khiến bạn gặp tình trạng đi tiểu đêm nhiều lần. Khuyến cáo mẹ bầu nên uống nước trước khi đi ngủ một tiếng, không nên uống quá nhiều nước, vận động, đi vệ sinh sau đó mới đi ngủ.
Thứ hai, cố gắng đi hết nước tiểu mỗi lần đi vệ sinh. Điều này cũng có thể làm giảm số đêm đi vệ sinh một cách hiệu quả. Mẹ bầu khi đi vệ sinh lại có thể nghiêng người về phía trước để giảm lượng nước tiểu ứ lại trong bàng quang, kéo dài thời gian cho lần đi tiểu tiếp theo và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cuối cùng, mẹ bầu nên hiểu rằng việc đi tiểu nhiều khi mang thai là bình thường và đừng quá căng thẳng, chỉ cần đợi con yêu chào đời là tình trạng này sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, nếu tình trạng đi tiểu nhiều lần đã ảnh hưởng đến các hoạt động sinh lý bình thường và khi đi tiểu cảm thấy bất thường như đau, rát, viêm nhiễm thì tốt nhất bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Đau sỏi thận khi mang thai có nguy hiểm?
Đau sỏi thận khi mang thai không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên xử lý cơn đau và dùng thuốc thế nào để không gây nguy hiểm không phải ai cũng biết.
Không chỉ đối với phụ nữ mang thai, mà đối với bất kỳ ai, những cơn đau sỏi thận đều gây khó chịu, nhất là khi cơn đau trở nên dữ dội. Nguyên nhân là do sự tắc nghẽn ở thận, khiến nước tiểu không thể bài tiết ra ngoài, từ đó làm tăng áp lực lên vùng bể thận, khiến thận bị sưng.
Nhiều nguy cơ hơn với phụ nữ mang thai
Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân dẫn tới việc tắc hay cản trở hoạt động bình thường của đường dẫn nước tiểu là sỏi thận. Đây là hiện tượng bệnh lý xuất hiện khi các muối và chất khoáng lắng cặn trong thận và đường tiết niệu. Đối với sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang… gây cọ xát dẫn tới tổn thương thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu để lại những hậu quả rất khôn lường.
(Ảnh minh họa)
Đối với phụ nữ mang thai, cơ thể có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong việc chuyển hóa khoáng chất và các chất hữu cơ dẫn đến khả năng hình thành sỏi. Ngoài ra, sự phát triển ngày càng lớn của thai nhi cũng có thể làm thay đổi vị trí của tử cung, chèn ép sự lưu thông của nước tiểu khiến nước tiểu lắng đọng, dễ sinh sỏi thận và gây đau bụng.
Uống ít nước cũng là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận ở phụ nữ có thai. Khi mang thai, nhu cầu nước của cơ thể tăng gấp đôi bình thường, việc uống ít nước khiến quá trình lọc của thận bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ lắng đọng sỏi. Theo các bác sĩ chuyên khoa, cơn đau sỏi thận ít dữ dội hơn, nhưng lại xảy ra với cường độ nhiều hơn và dai dẳng hơn
Điều trị
Trong hầu hết các trường hợp, thai phụ đều có thể sinh con bình thường mà không gặp vấn đề gì. Cũng có một số ít trường hợp sỏi thận gây đau bụng dữ dội khiến thai phụ sinh non. Do đó, chị em cần chủ động phòng ngừa sỏi thận, chú ý chế độ ăn uống hợp lý, uống thật nhiều nước để tăng khả năng đào thải sỏi. Sỏi có thể theo đường nước tiểu đi ra ngoài.
Đối với những cơn đau dữ dội, bác sĩ sẽ rất cẩn thận trong việc lựa chọn thuốc. Thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) hiện là thuốc điều trị hiệu quả nhất đối với đau sỏi thận nhưng lại chống chỉ định trong thai kỳ. Vì thế, giải pháp duy nhất là làm dịu cơn đau bằng paracetamol. Tuy nhiên, việc sử dụng phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, bởi một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, sử dụng paracetamol khi mang thai có thể làm tăng khả năng phát triển các vấn đề hành vi, bao gồm cả ADHD (tăng động giảm chú ý) ở trẻ sau này./.